Tự Do Ngôn Luận cho VN

May 12, 2009

Hoàng Sa Một Nỗi Buồn Lịch Sử

Filed under: arvn quân lực VNCH,Vietnam — tdnl @ 6:35 pm

Togia9

Tôi nhớ lại lời dặn đã được lập đi lập lại của huấn luyện viên…một phi công lái F105, đã bay hơn 100 phi vụ oanh tạc Bắc Việt…là ” Khi không chiến, phải xem kẻ thù cùa mình là phi công giỏi nhất thế giới”.

Không chần chờ, quan sát chung quanh, nhanh chóng phán đoán tình hình, có phản ứng nhanh ,đúng, kịp thời, chính xác, không để mất bóng phi cơ địch, khai hoả thật nhanh, và hổ trợ cho người bạn của mình. Tôi vẫn biết lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế, ngoài khả năng của phi công còn có những yếu tố khác như : khả năng nhào lộn, tốc độ thăng tốc cúa máy bay, vũ khí trang bị trên phi cơ, vị thế đầu tiên của phi cơ địch và thời tiết nữa.

Hôm nay thực sự những bài học kinh nghiệm huấn luyện về không chiến sắp được ứng dụng, có lẻ chỉ khoảng nửa giờ sau khi cất cánh từ Đà Nẳng. Tôi đã nóng lòng chờ những giây phút ấy, chưa bao giờ xảy ra trong đời, tôi thầm nhủ phải coi chừng những chiếc Mig 21, khó nuốt, nhưng không thắng
thì huề,nhất định không chịu thua.

Đến 1 giờ, vẫn chưa thấy dấu hiệu gì chuẩn bị cất cánh, ông Thiếu Tá Giàu- người chỉ huy trận đánh- đi họp vẫn chưa về. 1giờ 30 , 2giờ, 2 giờ 30, rồi 3 giờ ,vẫn chưa được lệnh.Lúc đó tôi nghĩ đi trể như vậy, lúc về tối mất, không mấy thuận lợi nếu phải về trong trường hợp ít xăng và đáp xuống phi trường Phù Cát còn khá xa lạ với những phi cơ F5. Khoảng 5 giờ chiều mới biết cuộc hành quân oanh tạc Hoàng Sa bị huỷ bỏ vì :

“Mỹ không cho đánh “???.

Ngày hôm sau, tôi không có tên trong lịch trình trực bay , nhưng không đi đâu được, vì đang cấm trại 100% nên vẫn quanh quẩn ở phòng trực phòng không. Tại Đà Nẳng, lúc nào cùng có 3 phi tuần F5 trực phòng không. Phi tuần Xray trực 5 phút, Zulu trực 15 phút, Whisky trực 30 phút ( có nghĩa khi báo động , phi tuần Xray bằng mọi cách phải cất cánh trong vòng 5 phút, sau đó phi tuần Zulu được đôn lên thành 5 phút, sẵn sàng cất cánh nếu cần, phi tuần Whisky đôn lên thành 15 phút và sẽ thành trực 5 phút nếu phi tuần Zulu phải cất cánh.)

Khoảng 3 giờ chiều, tình hình vẫn bình thường. Trung uý Chinh người trực phi tuần 5 phút đến gặp tôi, xin tôi trực thế cho một lát, để về đưa con đi bác sĩ. Tôi nhận lời vì chúng tôi vẫn thường giúp nhau, xem như anh em. Tôi lấy mủ bay ra phi cơ, gở mủ bay của Trung uý Chinh ra, nối ống dưỡng khí và dây vô tuyến vào ( vì mỗi người có mủ bay riêng, đã được điều chỉnh cho phù hợp với đầu của mình ).Khoảng 3 giờ 30, lúc đó Trung uý Chinh vừa chạy xe vào khu vực phòng không, đang mặc bộ G suit thì báo động.

Tôi vội chạy ra phi cơ,Trung uý Chinh cũng chạy theo gọi tôi; Long để tôi bay cho.

Tôi vừa chạy vừa trả lời :Không kịp đâu, tôi đã đổi mủ bay rồi.Nói xong, tôi liền leo vào phòng lái, mở nút battery, khoát hai quai dù vào, khoá Seat Belt lại, đội mủ bay, đeo mặt nạ dưỡng khí vào.

Trong khi tôi làm những việc đó một chuyên viên phi đạo vừa nổ máy, vừa giúp tôi nối giây G suit. Khi anh ta bước xuống, rút cầu thang là tôi đóng ngay nắp phòng lái, tống ga vọt khỏi ụ đậu.

Đài kiêm soảt không lưu Đà Nẳng thông báo ngay trên tần số vô tuyến cao độ 20.000 ngàn feet và hướng bay 045 mà đài kiểm báo Panama- ở trên đỉnh núi Sơn Chà- yêu cầu để dể dàng nhận thấy mục tiêu.

Lúc ấy mọi chuyện xảy ra rất nhanh, tôi không còn nhớ gì ngoài những phương thức cất cánh khẩn cấp, chạy ra phi đạo, không chần chừ, tống ga tối đa, mở afterburner, chiếc số 1 chạy trước, tôi bám sát theo, phi cơ lao nhanh trên phi đạo.

Hôm ấy vì chuẩn bị đánh Hoàng Sa nên phi cơ mang ba bình xăng phụ, phải chạy hơn một nửa phi đạo mới cất cánh được. Có lẻ từ khi báo động đến khi chúng tôi gấp bánh lại khoảng 3 phút rưỡi, không lâu hơn khoảng thời gian ấy. Khi đang bay lên cao, chúng tôi liên lạc với đài kiểm báo Panama xin diển tả mục tiêu.

Được cho biết hai phi cơ Mig 21 cất cánh từ Hải Nam bay về hướng Đà Nẳng còn cách phi tuần chúng tôi vào khoảng 100 dặm. Tôi bay dạt ra xa, hơi lùi về phía sau đối với chiếc số 1 trong đội hình không chiến. Trung uý Tảo bay số 1 liên tục hỏi Panama về mục tiêu vì 100 dặm tuy mắt thường không nhìn thấy nhưng hai phi cơ siêu thanh bay đối đầu nhau (head on ) thì chỉ chốc lát là ở bên cạnh nhau ngay.

Chúng tôi tập trung quan sát kỹ lưỡng chung quanh , chưa thấy Mig đâu, lúc đó, ở phi đoàn gọi hotline lên Panama dặn chúng tôi nhớ vứt ba bình xăng phụ trước khi không chiến. Tôi vừa bay vừa nghĩ, chắc đụng thật rồi, nút nhả ba bình xăng phụ ở vi trí Standby chỉ cần bấm nút là ba bình xăng phụ sẽ tách rời khỏi máy bay. Tôi liếc nhanh hoả tiển Sidewinders đã sẵn sàng khai hoả, tôi vặn nút volume tầm nhiệt của hoả tiển không không nghe cho rõ, để khi không chiến, hoả tiển bắt được hơi nóng của phi cơ địch sẽ báo lên bằng âm thanh nghe được bằng head phone gắn trong mủ bay.

Trung uý Tảo vừa liên lạc với Panama vừa quan sát mục tiếu, tôi cũng thế, theo dấu chiếc số 1, đồng thời cũng quan sát thật kỹ, mình phải thấy Mig trước,nhưng Panama im lặng vô tuyến một lát rồi yêu cầu chúng tôi giữ cao độ 20.000 feet và bay vòng trở lại , vì hai phi cơ Mig 21 của Trung Cộng đã quẹo về hướng Hải Nam. Chúng tôi bay bao vùng vòng tròn ngoài biển cách phi trường Đà Nẳng khoảng 80-100 dặm.Thực ra Trung Cộng muốn thử phản ứng của Không Quân VNCH và chúng ta đã phản ứng rất nhanh, cất cánh ngay trước khi Mig xâm nhập khộng phận và nếu có xảy ra không chiến thì chúng ta kể như có lợi thế vì gần Đà Nẳng và khá xa Hải Nam.

Sau khi đã chỉ định danh sách những người bay các phi tuần còn lại, nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10 phi tuần, mỗi phi tuần hai chiếc. Phi cơ cất cánh bay cuối cùng là một chiếc RF-5, do một vị thiếu tá phi đoàn 522 lái có nhiệm vụ bay qua chiến trường chụp hình kết quả cuộc oanh tạc do những chiếc F5 bay trước ném bom xuống.

Khoảng 10 giờ sáng, tất cả những phi công tham dự cuộc hành quân đặc biệt này lên Sư đoàn họp, nghe thuyết trình kế hoạch đánh Hoàng Sa. Chẳng mấy khi những cấp sĩ quan cấp nhí như tụi tôi được vào phòng họp này, nên thấy có vẻ hơi lạ.

Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn I Không Quân thuyết trình tình hình và kế hoạch ném bom. Từng phi tuần cất cánh từ Phi trường Đà Nẳng, cách bờ biển 100 dặm, nếu thấy chiếc tàu nào đều đánh chìm vì Hải Quân của chúng ta đã rút về phòng thủ ở trong vòng 100 dặm, các tàu của các nước khác đã được thông báo và yêu cầu tránh xa vùng Hoàng Sa.

Chỉ có 10 phút không chiến, không được ở lâu, khi về bay chếch xuống hướng Nam, đáp xuống phi trường Phù Cát chứ không về Đà Nẳng nữa sợ phi cơ Mig bay chận hậu. Nếu máy bay Mig đuổi theo những chiếc F5 bay về Phù Cát, thì nó sẽ bị những chiếc F5 cất cánh từ phi trường Đà Nẳng lên chận đuôi nên sẽ không dám bay xa xuống hướng Nam

Khi nghe thuyết trình như vậy, lúc ấy tuy còn rất trẻ nhưng tôi đã hình dung được chưa chắc mình đã bay được đến Hoàng Sa mà chắc chắn trận không chiến sẽ diển ra vào khoảng không phận 120 dặm cách Đà Nẳng cũng như đảo Hải Nam của Trung Cộng, vì khi chúng ta cất cánh lên bay về hướng Hoàng Sa, máy bay Mig sẽ lên nghênh cản ngay và cuộc đối đầu sẽ diển ra trong khoảng toạ độ đó.

Đến khi thuyết trình về hệ thống cấp cứu nếu chúng tôi phải nhảy dù trong trường hơp khẩn cấp. Đại Tá Tư Lệnh Phó SDIKQ cho biết…Cách bờ biển 50 dặm sẽ có hai chiếc tàu Hải Quân . Trên mỗi tàu có hai chiếc trực thăng, sẽ bay đi cấp cứu trong vòng 50 dặm nữa. Như vậy, nếu mấy anh nhảy dù trong vòng 100 dặm thì cứu được, còn ngoài 100 dặm sẽ không cứu được vì quá xa. Một vị Trung Uý hỏi…Đệ thất hạm đội Mỹ có cấp cứu khi chúng tôi nhảy dù ngoài tầm cấp cứu của chúng ta ? Đại Tá trả lời ngay:” Đệ Thất Hạm Đội từ chối không cứu”.

Lúc đó chúng tôi hiểu ngay Mỹ đã bật đèn xanh và làm ngơ cho Trung Cộng cướp đảo Hoàng Sa của chúng ta.

Là những chiến sĩ VNCH ai không đau lòng khi bị Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, lấy mất mảnh đất do cha ông đã đổ bao công lao, xương máu tạo nên, giữ gìn cho đến ngày nay…

Những cuộc chiến đấu dũng cảm, đẫm máu như Tết Mậu Thân 1968, tái chiếm cổ thành Quảng Trị năm 1972, những trận đánh lừng danh trên khắp lãnh thổ Miền Nam Việt Nam,nhất quyết không để một tấc đất vào tay kẻ thù, vậy mà Trung Cộng lại ngang nhiên, công khai xăm lấn Hoàng Sa, với sự im lặng ủng hộ của CSVN, với sự phủi tay của Hoa Kỳ.Những phi công F5 được chỉ định oanh tạc Hoàng Sa không ai từ chối, trái lại tinh thần rất cao, sẵn sàng tung cánh dầu không có sự yểm trợ của Không Quân và Đệ Thất Hạm Đội Mỹ.

Trước khi vào nghe thuyết trình, chúng tôi vẫn đinh ninh sẽ có sự tham dự ném bom của Không Quân Hoa Kỳ như họ đã từng bay những phi vụ yểm trợ, đánh phá Việt Công tại miền Nam cũng như tại miền Bắc trước khi có hiệp định Paris .Hoặc ít ra không trực tiếp oanh tạc, phi cơ Mỹ cũng bay Air Cover cho KQVNCH an toàn oanh tạc Hoàng Sa. Nhưng thực tế, họ đã từ chối, tại sao vậy ?.Lúc đó chúng tôi không hiêucỏ phải Mỹ đã bỏ rơi chúng ta hay họ muốn thử xem thực lực của KQVNCH có khả năng vươn nổi cánh sắt đến những mục tiêu xa xôi như Hoàng Sa ?.

Buổi thuyết trình hành quân đang khựng lai vị hệ thống cấp cứu rất hạn chế thì bổng cửa phòng hop mở ra Đại Tá Võ Văn Sĩ, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 63 Chiến Thuật ở phi trường Biên Hoà và môt sĩ quan Không Quân cao câp khác tôi không biết tên, cả hai bước vào phòng họp. Đại Tá Sĩ chỉ ngay vào Thiếu tá Hồ Kim Giàu nói :”Giàu ,đừng nóng “Hai vị sĩ quan cao cấp mới đến tiêp xúc với Đại TaTứ Lệnh Phó Sư Đoàn I KQ một lát và sau đó ra lệnh cho tất cả các phi công rời phòng họp.

Về khu trực phòng không, chúng tôi được lệnh chuẩn bị cất cánh, có lẽ vào khoảng 1 giờ chiều.Ai nấy sẵn sàng, kiểm tra lại G suit, xem lại những dụng cụ cấp cứu trong chiếc áo lưới, cân thận gài chặt khẩu súng P38, biết đâu đến lúc cần đến nó !Tôi mở sẵn bản đồ hành quân.Hoàng Sa nhỏ bé thật, có nhiều đảo nhỏ nhưng không có một mục tiêu được chỉ định rõ ràng.

Tôi cố học thuộc lòng tần số liên lạc của phi trường Phù Cát để khi trở về không lạng quạng mò mẩm. Tôi hình dung lại những bài học không chiến đã được tập luyện kỹ lưỡng tại Hoa Kỳ cũng như những phi vụ thực tập hàng ngày ở Phi Đoàn 538. Tôi có niềm tự tin không đến nổi nào, có thể sẽ thắng. Khi thực tâp tại vùng sa mạc Arizona, đã nhiều lần tình cờ không chiến với các phi cơ F4. F100 ( cũng bay những phi vụ huấn luyện về không chiến) Chính tôi cũng thấy ngang ngữa, không có gì thua sút họ cả

Tôi ôn lại những kỷ niệm năm xưa với những dự tính oanh tạc Hoàng Sa năm 1974 của phi đoàn mà tôi phục vụ để thấy những nỗi đắng cay của chúng ta, của một nước kém phát triển, của một quốc gia còn non trẻ nhưng gặp thảm hoạ chiến tranh đã bị các nước lớn khuynh đảo. Hoa Kỳ đã dùng xương máu của những người Việt Quốc Gia chống lại sự bành trướng của CS. Đã dùng Việt Nam làm điểm nóng, làm tiêu hao sinh lực khối Cộng Sản quốc tế trong cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu với CS. Chúng ta là nạn nhân của sự xung đột ý thức hệ, là tụ điểm va chạm nảy kửa của hai khối CS và Tự Do.

Trong cuộc chiến đấu chống Cộng tại Việt Nam. Hoa Kỳ chủ trương không muốn thắng, duy trì chiến tranh làm Liên Xô, Trung Cộng phải “xuất huyết” hao tiền tốn của để viện trợ cho CS Bắc Việt. Đó là cuộc chiến tranh của những nước lớn, nhưng lại dùng quê hương chúng ta làm chiến trường. Để rồi, một thời điểm nào đó, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, người Mỹ phủ phàng bỏ rơi, để hàng chục triệu người vô tội rơi vào địa ngục Cộng Sản.

Ôi còn xót xa nào hơn thân phận của các nước nhược tiểu chỉ hứng lấy những sai lầm và là nạn nhân của các cuộc xung đột quốc tế. Hoa Kỳ đã mắc phải những sai lầm rất lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, họ có trách nhiệm phải xoa dịu những nỗi thống khổ hiện nay của những người dân và Chiến Sĩ Quốc Gia mà quá khứ đã dũng cảm chiến đấu cho tự do bên cạnh Hoa Kỳ bằng những nổ lực làm tan dần đại hoạ CS VN.

Năm 1972, Hoa Kỳ nghĩ rằng bắt tay với Trung Cộng có rất nhiều điều lợi như tạo được sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Cộng, Xâm nhập kinh tế trung Cộng bằng dự án đầu tư thương mại. Hoa Kỳ cứ tưởng ” Nắm đầu Trung Quốc ”

Tức đã nắm được CSVN nhưng chính Trung Quốc đã bị CSVN phản bội, bỏ rơi để chạy theo Liên Xô. Vì vậy, năm 1979, Trung Cộng đã đem quân qua trừng phạt, dạy cho CSVN một bài học đó là thiếu trung tín bất lương.

Sau này, có khi chúng tôi tập bay không chiến khá xa bờ biển, có khi khoảng 80 dặm, tôi nhìn biển xanh rộng mênh mông,

Đà Nẳng nhìn thấy mờ mờ như trong sương mai. Biển bao la qúa, tôi thấy tội nghiệp cho những anh hùng Hải Quân VNCH đã dũng cảm , đơn côi chiến đấu với bọn cướp hung hản Trung Cộng. Các anh chiến đấu không ai yểm trợ, biển lạnh sóng gió chập chùng, muốn mau về bến bờ, về thăm nhà cũng mất cả ngày, còn chúng tôi chỉ lát nữa đây, sau khi đáp xuống Đà Nẳng, là có dịp đi dạo phố hoặc quây quần cùng gia đình.

Đã 28 năm trôi qua, nhớ lại những kỹ niệm của thuở làm trai thời loạn, những ngày tung cánh vẫy vùng trong không gian, những ngày đâm xuống ném bom vào đầu giặc thù, những ngày trực phòng không dài lê thê, những ngày mưa dầm kéo dài cả tuần, mây mù che phủ Đà Năng thảm thương.

Hoàng Sa đánh dấu một trong những bước khởi đầu của tiến trình bỏ rơi VNCH. Đó là một nỗi buồn lich sử báo động cho một đại hoạ sắp xảy ra cho VNCH. Tôi nhớ những người bạn cùng khoá đã anh hùng ra đi vĩng viễn

Nguyễn Anh Tuấn-Đing thành Trung-Nguyễn Thăng Long-Lê Mậu Trung-Đặng Minh Toàn-Trần Anh Tiên_Lế Trường Sa…

Từ khi còn trong quân trường, các anh và chúng tôi đã cùng hát: Đây đó, hồn nước ơi,Không Quân Việt Nam lướt trên ngàn mây gió, ù u u u u ú, ôi phi công danh tiếng muôn đời “.Danh tiếng muôn đời lại mở đầu bằng tiếng “ôi” não nùng.!!!

Các anh đã thực hiện những chiến bay dũng cảm, gieo kinh hoàng khủng khiếp cho kẻ thù, và các anh đã chết để giang sơn được sống, để đồng bào được ấm no nhưng người Mỹ đã buông xuôi, hậu qủa là nước mất nhà tan, người Việt Nam lưu lạc bốn phương trời.

Những cánh chim sắt của Không Quân VNCH đành phải xếp cánh và có lẽ sẽ không còn cơ hội nào tung bay như ngày xưa nữa.

Xin dành một phút tưởng niệm đến tất cả những anh hùng Hải Quân đã hiên ngang dũng cảm hải chiến với tàu Trung Cộng để bảo vệ Hoàng Sa và đã chọn đại dương là mồ an nghỉ cuối cùng.

Xin dành một phút tưởng niệm đến tất cả những phi công VNCH đã trải dài thân xác mình trên khắp quê hương thân yêu vì chính nghĩa Quốc Gia và Lý Tưởng Tổ Quốc Không Gian.

Ngày nay, khi cộng Sản Việt Nam lại ký kết hiệp ước biên giới dâng đất, dâng biển, dâng một phần giang sơn của tổ tiên và tiền nhân để lại, cho Trung Cộng, thật tỏ rõ CSVN thật sự là quân bán nước.

Đọc kỹ lịch sử bán nước của CSVN, tôi mới biết ngày 14-9-1958. Phạm Văn Đồng thừa lệnh của Hồ Chí Minh đã ký dâng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng.

Có lẽ trước năm 1974. Trung Cộng không dám đụng đến vì trên đảo có quân lính VNCH trấn giữ và Hoa Kỳ vẫn còn sát cánh với QLVNCH chống cộng. Nhưng khi biết Mỹ có ý định rút quân ra khỏi miền Nam.

Trung Cộng tấn chiếm để xem phản ứng của chúng ta và Hoa Kỳ như thế nào rồi từ đó cố vấn cho CS Bắc Việt đẩy mạnh cuộc xâm lược để chiếm miền Nam Việt Nam.. Và thảm hoạ đã đến, ngày đó, tôi thật ngây thơ khi nghĩ cuộc chiến Hoàng Sa chỉ là âm mưu ăn cướp một hòn đảo nhỏ và người Mỹ cũng không quan tâm vì mất đảo Hoàng Sa không có nghĩa mất đi một vị trí chiến lược có ảnh hưởng đến sự sống còn và tồn vong của của VNCH.

Với tư cách người lính chiến đấu bảo vệ quê hương, với những hiểu biết rất hạn chế về thời cuộc, mình đâu có nhìn thấy tiến trình bỏ rơi của Mỹ và hiểm hoạ CS mỗi ngày một lớn, để rồi vẫn bình thản bay bổng làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình cho đến ngày mất nước. Bây giờ đã 28 năm qua, nghĩ về Hoàng Sa, về quê hương mà lòng buồn vô hạn, biết đến bao giờ mình mới lấy được quê hương, lấy được gì mình đã mất

LONG LY

May 1, 2009

30-4 Nhìn Lại Chính Mình và Đất Nước

Filed under: Vietnam — tdnl @ 2:08 pm

Bùi Tín

Khi người Cộng sản tự thấy ngây, thơ, ngu, dại…

30 tháng 4 lại đến.

Đã 19 năm, tôi là nhà báo tự do trên đất Pháp, đất của Tự do-Bình đẳng-Bác ái, những lẽ đời đẹp đã được vận khá rõ vào cuộc sống, tuy còn phải hoàn thiện mãi.

Dịp này, nhiều người hỏi vui buồn, được mất, tôi trả lời: có vui có buồn, có được có mất. Vui sướng nhất là có tự do nghĩ, viết, nói; mừng nhất là có rất nhiều bạn tốt mới, ở khắp nơi; may nhất là được xã hội chăm sóc, chữa bệnh, nằm bệnh viện, thuốc men, đi lại không mất xu nào (mỗi tháng trung bình tôi dùng 200 Euro = 5 triệu đồng VN thuốc trợ tim; đi métro, bus, xe lửa trong Paris rộng lớn được xã hội bao hết, tính ra chừng 60 Euro = 1 triệu rưỡi đồng/tháng), lại được xã hội trả tiền nhà do chính sách giúp người tỵ nạn chính trị (mỗi tháng 240 Euro = 6 triệu đồng VN nữa).

Bạn bè tôi thường nói : ở đây mới thật là “xã hội chủ nghĩa”. Bình đẳng hầu như tuyệt đối. Vào bệnh viện, không ai hỏi cán bộ cấp gì, lương loại nào, anh clochard (kẻ không nhà) với chủ tư bản, thị trưởng, nghị sĩ đều nằm buồng như nhau, thuốc tốt nhất như nhau.

Cho nên thương bà con ta trong nước bị đánh lừa về tính ưu việt của CNXH, thương 15 nghìn anh chị em đồng nghiệp bị mất tự do, thông cảm với những nhà báo XHCN (!) Tuổi Trẻ, Đại đoàn kết, Thanh niên, Du lịch, Pháp luật, … không được tự do nói và viết, còn bị mất việc, đi tù; xót xa cùng các nhà văn, tác phẩm in ra bị thu hồi, bị cấm đoán, treo bút một cách phi lý và phi pháp.

Tôi đặc biệt thương cảm hơn 2 triệu đảng viên CS là đồng chí cũ của tôi, đang sống cảnh “cá chậu chim lồng”, ở lại trong đảng không yên vui, thoát ra không dễ, nhạt nhẽo về lý tưởng, không còn quãng đời lãng mạn cách mạng khi xưa, phơi phới niềm tin, mê say lý tưởng, tự hào về danh nghĩa đảng viên. May cho tôi là quãng đường ảo tưởng ấy đã sớm kết thúc từ gần 20 năm, sớm hơn các bạn, đang còn nặng nợ hôm nay. Cuộc sống luôn đổi thay, theo lẽ thường tình của muôn loài. Huống gì là những sự vật đã rữa nát từ bên trong do bất công và tội ác. Phe XHCN xưa kia tưởng như sắp bao trùm toàn thế giới, thì bỗng nhiên đổ sập, với bức tường Berlin vỡ nát ngày 9-11-1989, được Liên Minh Châu Âu đánh dấu là Ngày lịch sử của Thế kỷ, ngày mở đầu cuộc Giải phóng Đông Âu khỏi hiểm họa Cộng sản, ngày lịch sử kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh, ngày mở đầu kỷ nguyên trên trái đất quét sạch chủ nghĩa công sản hiện thực như một lầm lỡ, một quái thai của lịch sử.

Từ ngày lịch sử ấy, đã có bao nhiêu cuộc nghiên cứu khoa học mới mẻ, nhìn lại và đánh giá thấu đáo cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, đánh giá thấu đáo các nhân vật Marx, Lénine, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, uốn nắn những lệch lạc, đính chính những ngộ nhận, xác minh các sự kiện, định vị các nhân vật lịch sử, xác lập hồ sơ công – tội phân minh của mỗi nhân vật.

Bộ chính trị Hà Nội chúa sợ những ánh sáng chứa sự thật trên đây, ngăn cản lọt vào Việt Nam, nhưng thời đại của thông tin quốc tế nhanh nhậy đã chọc thủng màn che cổ lỗ. Cả một mảng trí thức, tuổi trẻ Việt Nam biết rõ rằng CNXH hiện thực đang sống những giờ phút hấp hối, dù là CNXH ở Cuba, Bắc Hàn hay là CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam. Ở trong nước, những đánh giá lại các nhân vật Phan Thanh Giản (yêu nước, không bán nước), Vũ Trọng Phụng (phê phán xã hội chứ không sa đọa đồi trụy), Phạm Quỳnh (tiến bộ, dân tộc, hoàn toàn không Việt gian), Nguyễn Văn Vĩnh (canh tân văn hoá chứ không tay sai thực dân Pháp), Phan Chu Trinh (cách mạng dân chủ tiền phong, không phải là kẻ cải lương lạc hậu) …. là những bước đi vững chãi trên con đường trong sáng, minh bạch, công khai và công bằng. Các ủy viên bộ chính trị cứ việc lườm nguýt, nhưng không ngăn chặn được trào lưu do các trí thức dân tộc (có cả đảng viên vượt rào) dẫn đầu với tinh thần dân tộc và yêu nước, những người đã tỏ ra vượt xa tất cả 15 nhân vật lãnh đạo chóp bu. Ngay cả ông Hồ Chí Minh cùng những “đồng chí cộng sản” trước và sau ông cũng đang và sẽ được trí thức dân tộc cùng toàn dân thời này đánh giá lại một cách minh bạch, công bằng, chuẩn xác, sau một thời gian lắng đọng, chiêm nghiệm.

Chính những ánh sáng thời đại rọi chiếu vào đảng CS chuyên sống nhờ cậy vào bóng tối mà nhiều đảng viên thức tỉnh, nhận ra mình đã từng ngu tối, dại khờ, sai đường lạc lối, phí cả tuôi thanh xuân. Họ cay đắng nhưng thanh thản phản tỉnh, hoặc công khai, hoặc âm thầm. Không ít người tên tuy còn trong đảng mà tâm trí đã ở ngoài xa, làm cho cả ban tổ chức và ban tuyên huấn trung ương đảng phải kêu trời lên rằng ngày càng có nhiều đảng viên “nhạt đảng”, “nhạt lý tưởng cộng sản”, “từ bỏ sinh hoạt đảng”, “nhiều đảng viên vô kỷ luật, phát ngôn bừa bãi, tự do quá trớn trong lập trường chính trị”! Họ tìm hiểu tấm gương Trần Độ, trung tướng một thời, tự nhận mù quáng mụ mị hằng mấy chục năm, không nhận ra sự lừa dối có hệ thống của đảng, không sớm thấy chế độ này về tự do báo chí còn kém xa thời thuộc địa Pháp, mụ mị lâu nên sùng bái Staline khi ông ta tàn ác hơn cả Hit-le, mụ mị lâu nên sùng bái Mao khi Mao thật ra còn ác hơn Tần Thuỷ hoàng. Họ biết tấm gương trong sáng của đảng viên CS kỳ cựu Nguyễn Khắc Viện, con cả Cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm [tôi từng nghe dân Hà Tĩnh kể trong Cải cách ruộng đất cụ tuy từng được ông Hồ Chí Minh phong làm bộ trưởng không bộ của Chính phủ kháng chiến, vẫn bị đội cải cách coi là địa chủ đầu sỏ, giam vào chuồng nuôi hươu, Cụ mất khi phải nằm trên nền đất ẩm không chiếu không chăn] – anh Viện từng là Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp, về nước năm 1963, đến năm 1992, vào cuối đời nghĩ kỹ lại mới ngộ ra là mình đã một thời ngây thơ, “thơ” là đã nhẹ dạ non nớt như trẻ thơ, đặt niềm tin vào đảng CS, “ngây” là đã ngây ngô dớ dẩn đi tin vào CNXH hiện thực !

Nhân ngày 30-4 năm nay, bản kiến nghị về hiểm hoạ bôxít yêu cầu ngưng ngay dự án nguy hiểm này, do 3 trí thức trong nước đề xướng, được sự hưởng ứng tức thời đông đảo của anh chị em trí thức trong, ngoài nước, của cả mọi tầng lớp nhân dân khác nữa, con số người hưởng ứng mỗi ngày một tăng nhanh; 163 chỉ trong 2 ngày, 1.100 sau 5 ngày, nay đã lên 27 ngàn sau nửa tháng. Số lượng đi cùng chất lượng, gồm những trí thức tiêu biểu, có trí tuệ, tâm huyết, những văn nghệ sỹ tài năng, những nhà văn hoá được mến mộ, những đại biểu quốc hội, không ít là đảng viên CS (đều ít nhiều nhận ra mình đã một thời mê muội, ngu dại, ngây thơ). Con số còn tăng, đến mức phải mở “Website Bauxite” để dung nạp cho kịp. Thật là một sự kiện lớn của năm 2009. Sức công phá của nó đối với cường quyền quay lưng lại với nhân dân thật không nhỏ. Đúng dịp này, một cuộc trao đổi lý thú giữa các nhà dân chủ trong nước, tôi theo dõi mà bật cười thú vị. Một bạn làm thơ rằng : “tôi tuyệt vọng là tôi tồn tại”, “biết tuyệt vọng là có cơ sống lại “; bạn kia cãi lại : “sao lại tuyệt vọng, trí thức chân chính phải giữ vững niềm tin chứ”. Tôi hiểu và quý mến cả 2 bạn. Một cuộc cãi nhau theo lô-gích hoàn toàn hình thức! Hai bạn thật ra chung một chí hướng, chỉ có cách thể hiện khác nhau. Một bạn nghĩ rằng con người đôi lúc cần biết bi quan, tuyệt vọng ở giới trí thức Việt nam ngủ mê quá lâu để mà biết quất roi, thét vào tai cho mà bừng tỉnh. Để mà lòng tin trở lại, vững vàng gấp bội. Thì có gì đâu mà trách bạn ấy. Đừng bao giờ vì thế mà nặng lời, mà “quân ta đánh quân mình”, anh em nhà ta cả, hiểu nhau quá mà ! Hôm nay, tôi thật lòng tin yêu trí thức nước ta.

Từ Đàlạt sát Lâm Đồng sặc sụa bụi bôxít nhuy hiểm, bạn Hà Sĩ Phu chào mừng các hào kiệt vẫy gọi nhau dấn thân chống bôxít, thật ra là chống bá quyền nước lớn và chống nhóm “lãnh đạo Bắc thuộc” cô đơn, bằng vần thơ hào sảng : Nhìn đoàn dân Việt ký đông vui

Đã thấy Hồn thiêng gọi giống nòi

Thấp thoáng Diên Hồng loe đỉnh núi

Thước sông, tấc đất giục lòng tôi.
Đúng vào dịp 30-4 năm nay, nhóm 15 kẻ gây Quốc Nạn cũng bị lâm nạn lớn. Họ bị vạch mặt chỉ tên, vuốt mặt không kịp. Họ bị lâm vào thế trên đe dưới búa, trong tình trạng hóc xương bôxít khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào.

Họ buộc phải mở cuộc họp bộ chính trị. Họ buộc phải giở trò xoa dịu, giả vờ như tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, leo lẻo : “mới là thí nghiệm, làm thử từ nhỏ đến lớn”, “sẽ chú ý đến môi trường, đến an ninh-quốc phòng”, “sẽ đưa ra cuộc họp Trung ương đảng, ra Quốc hội “… Nhưng về cơ bản họ cứ lao tới, vì họ đã tự biến thành những con tin, những kẻ thừa hành lệnh của nước lớn, họ đã chui vào bẫy bành trướng, vừa được thưởng, có lợi riêng lớn, vừa bị đe không vâng lời thì nguy khốn đấy ! Họ giả lùi, cần truy kích cho đến khi các dự án phải ngừng cả lại !

Nhân dịp 30-4 năm nay, tôi chỉ có đôi lời nhắn nhủ tâm huyết với các đồng chí cộng sản cũ của tôi, hãy còn lâm vào cảnh “chim lồng cá chậu” ở quê nhà. Hãy tập suy xét bằng đầu óc tỉnh táo, bằng tư duy độc lập của chính mình.

Hãy đọc nhiều, suy nghĩ cho chín, và trung thành với chính mình trên cơ sở thương thật lòng dân mình, yêu thật lòng đất nước mình. Đừng lười biếng theo số đông, theo gậy chỉ huy của ai đó, theo lợi ích tạm thời, riêng tư.

Điều này đòi hỏi những người công sản cũ một tinh thần dũng cảm cần thiết không kém khi xông pha lửa đạn, một khí phách vượt qua ảo tưởng cũ để tiếp cận sự thật thường là phũ phàng, một nghị lực từ bỏ thần tượng ảo cũ, tìm ra lẽ sống và lý tưởng mới chuẩn xác xứng đáng để dấn thân, vì dân tộc mình, vì nhân dân mình, vì một thế giới mới có tự do, dân chủ, tình thương, có môi trường trong lành cho toàn nhân loại. Thoát mọi ràng buộc tệ hại, bạn sẽ có cảm giác sung sướng vô hạn của con người tự do, như được mọc cánh bay cao trong bầu trời tự do bát ngát xanh trong. Hiện nay, vẫn còn không ít thanh niên, cán bộ, trí thức tự đặt ra yêu cầu gia nhập đảng CS Việt nam, vì mục tiêu lý tưởng thì ít, mà nặng về mục đích lập nghiệp, sinh kế, bởi vì đảng CS vẫn chà đạp hiến pháp không cho phép tự do lập hội, để độc quyền cai trị, một mình một chiếu. Các bạn ấy bị tước quyền chọn lựa.

Nhưng vẫn có nhiều bạn tìm hướng khác. Ngày càng nhiều trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo, nhà giáo, luật sư có lòng tự trọng, không xin vào đảng vì thấy đảng CS ngày nay xuống cấp một cách tệ hại, cả một tầng lớp “cường hào đỏ”, “tham nhũng đỏ”, “địa tặc đỏ”, “địa chủ đỏ”, “tư bản đỏ” lộng hành trong sự “bao dung” tội lỗi của Bộ chính trị 15 người không hề được nhân dân bàu ra. Họ cũng chán ngán khi thấy Bộ chính trị độc quyền vẫn cứ vô cảm trước những thảm hoạ dân tộc như hiểm họa bị nước lớn hiếp đáp, lấn lướt, doạ nạt, như thảm hoạ bôxít hiển nhiên, như tệ nạn xã hội ngày thêm nặng nề : tham nhũng, cướp bóc, giết người, cờ bạc, rượu chè, xì ke ma tuý, mãi dâm, bệnh siđa, tất cả đều “thăng tiến” trong bảng thành tích lãnh đạo ngày càng tối đen của đảng CS. Những nhân cách nói trên đang mong chờ sự xuất hiện tổ chức mới, đảng mới, có tầm cao về chất chính trị, có tự do dân chủ thật sự để tham gia xứng đáng.

Xin kể các bạn vài chuyện nho nhỏ mà ý nghĩa rất to. Hội đồng châu Âu đã tuyên bố Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội hiện thực do các đảng CS ở Đông âu và Liên Xô chủ trương từ 1945 đến 1991 là phi nhân tính, là thảm hoạ dân tộc và tội ác chống nhân loại. Quốc hội Balan đã thông qua luật đặt chủ nghĩa CS ra ngoài vòng pháp luật, và coi việc tuyên truyền cộng sản là phạm pháp.

Tại các nước Đông Âu, nơi chủ nghĩa CS từng ngư trị, ngày nay, không gì xấu, nhục bằng bị mắng nhiếc : ” nói dối như CS, lừa gạt như CS! “, cũng giống như ở Hoa kỳ, Canađa, Úc … ai bị vu cáo, chụp mũ là “tay sai Việt Cộng”, ” Việt Cộng nằm vùng ” có thể phát đơn kiện kẻ vu khống, và đã có phiên toà xét xử tuyên án phạt kẻ vu cáo gần 100 ngàn đôla, vì quan toà cùng với xã hội đều coi Cộng sản như là một điều gì xấu xa, bẩn thỉu, tệ hại. Thật đáng ngẫm nghĩ cho những ai còn mang danh nghĩa Cộng sản trên thế gian này. Dịp 30 tháng 4 năm nay, tôi gửi lời thăm hỏi chân thành đến các đảng viên CS bạn bè cũ thân thiết và quen biết, các sỹ quan các cấp từng là đồng đội của tôi, hàng nghìn nhà báo lão thành và trẻ tuổi từng là bạn đồng nghiệp của tôi, các bạn học cũ từ hồi trẻ, tha thiết mong các bạn dấn thân ký vào Kiến nghị do 3 trí thức trong nước Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng đề xướng bằng cách mở Website Bauxite Việtnam, trong đó ngoài phần ký kiến nghị còn có Diễn đàn, tin tức, tư liệu, ảnh liên quan.

Mong rằng các bạn quý mến của tôi cũng đã hoặc rồi sẽ trải qua những bàng hoàng, bẽ bàng, cay đắng khi cảm thấy mình bị lừa dối, lường gạt ra sao, khi nhận ra những ngu si, dại dột, ngây thơ một thời của chính mình, để mà lột xác, từ bỏ mọi ảo tưởng hão huyền tai hại, thanh thoát sung sướng được là một chiến sỹ tự do dấn thân dứt khoát cho quyền sống có nhân phẩm của đồng bào yêu quý.

Bùi Tín

Create a free website or blog at WordPress.com.